Nay đòi cái này, mai đòi cái khác!
- Thứ tư - 09/07/2008 08:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo các chủ đầu tư, thủ tục thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy (PCCC) hiện nay rất chậm chạp, nhiêu khê. Trong đó, công đoạn kiểm tra hồ sơ thiết kế PCCC bị chê nhiều nhất.
Hướng dẫn nhiều lần
Ông H. (Q.12, TP.HCM) ôm bộ hồ sơ xây dựng nhà xưởng chạy tới chạy lui phòng thẩm duyệt thiết kế, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM nhiều lần nhưng vẫn chưa xong thủ tục. Do chủ đầu tư và đơn vị thi công hối thúc nên trong gần hai tuần trước tết, ngày nào ông H. cũng chầu chực ở Sở Cảnh sát PCCC khi bổ sung cái này, lúc điều chỉnh cái kia theo yêu cầu của cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Trong khi đó việc xây dựng ngưng trệ, chủ thầu đòi bồi thường hợp đồng.
Ông H. bức xúc: “Tại sao cán bộ không ghi vào phiếu hướng dẫn một lần để tôi khỏi phải chạy tới chạy lui, chờ đợi”. Nhiều người nói cán bộ tiếp nhận hồ sơ không chịu giải thích hoặc đề nghị bổ sung một lần mà làm theo kiểu... nhớ tới đâu đòi tới đó. Khi đòi giấy ủy quyền của chủ đầu tư, lúc đòi giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, chứng chỉ qui hoạch, bản vẽ, bản thuyết minh thể hiện những yêu cầu về PCCC...
Bà Hằng (Q.Tân Bình) nộp hồ sơ thẩm duyệt thiết kế PCCC cho công trình xây dựng tòa nhà văn phòng đã hơn tháng vẫn chưa được giải quyết. Bà nói: “Tôi thấy việc thẩm duyệt hồ sơ thiết kế PCCC không có qui trình công khai. Chẳng ai biết hồ sơ của mình giải quyết tới đâu, thiếu cái gì. Còn cán bộ thì nay vặn vẹo cái này, mai đòi cái khác, chờ đợi chẳng biết đến khi nào. Không có bản phê duyệt thiết kế PCCC, đâu dám thi công!”.
Ai làm khó ai?
Sẽ giảm 5 ngày Thượng tá Hoàng Văn Thắng nói qui định thời gian thẩm duyệt hồ sơ thiết kế về PCCC là không quá 30 ngày làm việc đối với thiết kế kỹ thuật công trình nhóm A (Chính phủ phê duyệt); không quá 20 ngày làm việc đối với công trình thuộc nhóm B, C và dự án qui hoạch, dự án xây dựng; được tính kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. “Sở Cảnh sát PCCC đang bàn hướng rút ngắn thời gian thẩm duyệt hồ sơ thiết kế PCCC (đối với các công trình xây dựng thông thường thuộc nhóm B và C) từ 20 ngày xuống còn 15 ngày. Hiện nay mỗi tuần chúng tôi trả 14-18 hồ sơ. Nếu hồ sơ đã hợp lệ thì việc thẩm duyệt sẽ rất thuận lợi” - ông Thắng nói. |
Ông T., cán bộ của một công ty tư vấn xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng), cho biết: “Một bộ hồ sơ thiết kế PCCC phải qua nhiều khâu, do đó chúng tôi phải tìm kiếm, chầu chực từng cán bộ để ký (thật sự không cần thiết) nên mất rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Chúng tôi và nhiều chủ đầu tư khác ngày nào cũng chầu chực tại phòng thẩm duyệt của Sở Cảnh sát PCCC để chờ đợi nhưng mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ. Trong khi đó, không ai biết “số phận” hồ sơ của mình đang nằm ở đâu, hợp lệ hay chưa”.
Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP, cho biết: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ là hiện nay hầu hết các công trình xây dựng chủ đầu tư không trực tiếp đi nộp hồ sơ thiết kế về PCCC mà giao hết cho đơn vị thiết kế, thi công.
Khi một trong hai đơn vị này nộp hồ sơ, do không có giấy ủy quyền nên cán bộ từ chối tiếp nhận hồ sơ, đề nghị bổ sung giấy ủy quyền. Mặt khác, dù có giấy ủy quyền nhưng hồ sơ còn thiếu, cần bổ sung, chỉnh sửa nhiều nội dung nên mất nhiều thời gian. Chủ đầu tư do không được báo cáo tình trạng hồ sơ thiết kế PCCC (chưa hợp lệ) nên cho rằng công an làm khó dễ”.
Không thể công khai!
Thượng tá Hoàng Văn Thắng, phó phòng hướng dẫn, chỉ đạo về PCCC, giải thích việc điều chỉnh thiết kế mất rất nhiều thời gian. Đối với một số công trình thuộc diện bắt buộc lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, cầu thang thoát hiểm kín (công trình cao ốc) nhưng trong hồ sơ thiết kế không có nên bộ phận tiếp nhận hồ sơ yêu cầu thiết kế lại (gần như sửa lại toàn bộ bản thiết kế công trình) mất nhiều thời gian.
Theo ông Thắng, hầu hết công trình xây dựng đều vi phạm khoảng cách an toàn về PCCC. Nhiều trường hợp sau khi yêu cầu điều chỉnh lại thiết kế thì chủ đầu tư cố tình lờ đi. Do đó nhiều hồ sơ đi vòng vèo, trả lui trả tới nhưng cũng không hoàn chỉnh. Qua kiểm tra phát hiện nhiều trường hợp cố tình thi công không đúng theo bản thiết kế đã được thẩm duyệt nên không nghiệm thu (một cơ sở pháp lý để làm thủ tục hoàn công).
Trả lời thắc mắc của người dân về việc cán bộ không hướng dẫn thủ tục một lần mà nay đòi sửa chữa cái này, mai đòi bổ sung cái khác, ông Thắng cho biết: “Đối với công trình nhỏ, đơn giản thì cán bộ hướng dẫn một lần. Những công trình lớn do hồ sơ, bản vẽ phức tạp, đôi khi cán bộ không kịp nghiên cứu kỹ nên dẫn đến tình trạng bổ sung hồ sơ nhiều lần”.
Về yêu cầu công khai tiến độ giải quyết hồ sơ thẩm duyệt cho nhân dân biết, ông Thắng cho rằng “việc thẩm duyệt hồ sơ là công việc nội bộ của công an nên không thể công khai”. Dự kiến, Sở Cảnh sát PCCC sẽ đưa lên mạng tất cả thủ tục, qui trình làm việc để người dân thuận lợi hơn khi làm hồ sơ thẩm duyệt thiết kế PCCC.