Cứu hộ tàu Dìn Ký, lặn tìm bằng cả cái tâm…
- Thứ sáu - 30/09/2011 04:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nghi thức buổi lễ diễn ra long trọng với sự có mặt của đồng chí Lê Minh Trí, Phó chủ tịch UBND TP; Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP và Đại tá Bùi Văn Tâm, Phó chỉ huy Bộ Tư lệnh TP. Tại buổi lễ, Thượng tá Đặng Tiến Dũng, Trưởng phòng Cứu nạn cứu hộ đã báo cáo lại quá trình cứu nạn cứu hộ suốt 3 ngày đêm trên sông Sài Gòn:
Đêm định mệnh
Khoảng 18giờ ngày 20/5/2011, chiếc tàu được làm bằng gỗ, 2 tầng của Công ty du lịch xanh Dìn Ký (chi nhánh cầu Ngang, địa chỉ: ấp Bình Thuận, xã Bình Nhâm, Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) có biển kiểm soát BD 0394 với chiều dài 23,5m, chiều ngang 4,6m do ông Lê Văn Đức, quê Bến Tre điều khiển tàu đã rời bến neo đậu, chở theo 27 người đang dự tiệc sinh nhật lần thứ 03 cháu Quách Hồng Đạt, con trai Ông Quách Lương Tài, quốc tịch Trung Quốc - giám đốc Công ty TNHH Lan Anh, Thị xã Thuận An. Buổi tiệc đông vui với sự góp mặt của anh, chị, em cùng con cháu trong đại gia đình, nhưng ông Tài nào ngờ đêm ấy sẽ là đêm định mệnh, ngày sinh nhật của con trở thành một ngày đại bi kịch của gia đình.
Đến 19giờ30phút, bỗng nhiên mây đen kéo đến, trời bắt đầu đổ mưa như trút nước, giông gió nổi lên, anh Đức cho thuyền quay đầu trở về, đến cách bờ chừng 100m thì thuyền chao đảo mạnh rồi lật ngang. 27 sinh mạng trên thuyền già có trẻ có cố thoát ra phía ngoài, cầu mong sự sống sót nhưng vụ việc xảy ra quá nhanh khiến mọi người trên tàu cũng không trở tay kịp, may mắn khi xảy ra sự cố đã có 11 người kịp thời thoát khỏi tàu và bơi vào bờ còn 16 người (trong đó có 5 trẻ nhỏ) đã chìm xuống dòng sông trong đêm tối.
Cứu hộ ngay trong đêm.
Ngoài trời mưa vẫn rỉ rã, dòng nước trên sông chảy xiết và cuốn theo bao hy vọng của một đại gia đình.
Nhận được yêu cầu chi viện từ phía Công an tỉnh Bình Dương, lập tức Trung tâm thông tin chỉ huy Sở Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh điều động lực lượng Cứu nạn- cứu hộ với sự chỉ đạo của đồng chí Đỗ Văn Tách – Phó trưởng Phòng cùng 2 xe Cứu nạn – cứu hộ và 18 CBCS xuống hiện trường, triển khai lặn tìm ngay trong đêm. 22giờ, trời mưa cũng đã tạnh, xe của lực lượng Cứu nạn- cứu hộ cũng vừa đến nơi, không chần chừ đ/c Tách nắm bắt thông tin của người dân tại hiện trường để triển khai công tác lặn tìm vị trí chìm của tàu.
Trời càng về khuya, cái lạnh của nước sông như thắm vào da thịt chúng tôi, dòng sông không hiền hòa như chúng tôi nghĩ, gai nhọn, rong và những thân cây có nhánh sắc nhọn trôi lơ lững làm chúng tôi rát khắp người do những vết trầy sướt trên da thịt. Sau khi lặn mò tìm dọc theo bờ sông phía Bình Dương khoảng hơn 1.000m, đơn vị không phát hiện ra vị trí của tàu chìm và quyết định chuyển hướng sang lặn mò phía bờ sông gần khu vực địa giới huyện Hóc Môn, Tp.Hồ Chí Minh.
Đồng chí Lê Minh Trí trao thưởng và động viên CBCS đã có thành tích trong việc cứu hộ tàu Dìn Ký
Hàng nghìn người dân hiếu kỳ cũng không sao cầm được nước mắt, họ nôn nao được biết kết quả mỗi khi chúng tôi trồi lên mặt nước. Tiếng khóc, tiếng gào thét của thân nhân có nạn nhân còn vẫn đang mắc kẹt dưới lòng sông sâu ấy như đang thúc giục nỗi lòng của chúng tôi... Bằng cả sự quyết tâm của những người lính chuyên đi giúp và cứu người, chúng tôi hẹn với lòng phải quyết tâm, cho dù có gặp trắc trở hay khó khăn gì đi chăng nữa cũng phải cố tìm đưa tất cả thi thể của những nạn nhân lên bờ. Chỉ có thế, chúng tôi mới đáp lại được sự tin yêu và quí mến của người dân đối với lực lượng PCCC&CNCH TP Hồ Chí Minh.
Thời gian và sự chờ đợi.
Hơn 7 tiếng đồng hồ tìm kiếm, sự thất vọng, mệt mỏi đang đè nặng trên vai người lính Cứu nạn cứu hộ, thì khoảng 6giờ sáng, ngày 21/5/2011 nhìn thấy vết dầu loang trên mặt sông cùng mấy cái áo phao cứu sinh nổi trên mặt nước trôi theo dòng chảy của con sông cách nhà hàng Dìn Ký khoảng 400m. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tốt - nhân viên Cứu nạn- cứu hộ đã có thâm niên trong công tác Cứu nạn- cứu hộ từ trước năm 1975 đến nay nhận định và khoanh vùng vị trí của tàu chìm. Xác định vị trí chính xác, niềm vui đang chuẩn bị đến thì dòng sông bắt đầu chảy xiết làm cho việc lặn tìm phải tạm ngưng chờ cho dòng nước dịu lại mới tiếp tục.
Trong thời gian này, Đại tá Lê Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở và Thượng tá Đặng Tiến Dũng, Trưởng Phòng Cứu nạn cứu hộ đã cùng 02 xe Cứu nạn – cứu hộ, 11 CBCS cũng có mặt tại hiện trường để tiếp ứng. Đại tá Lê Tấn Bửu động viên tinh thần tích cực của CBCS và chỉ đạo: “Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, khắc phục mọi khó khăn, bằng nghiệp vụ và kinh nghiệm của mình phải tìm và đưa các nạn nhân lên bờ với thời gian sớm nhất, đồng thời phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho CBCS và phương tiện trong suốt quá trình làm nhiệm vụ”. Khi con nước chảy nhẹ, công tác tìm kiếm 16 nạn nhân được triển khai ngay, tổ lặn đầu tiên của đợt lặn thứ 02 do 02 đồng chí nhận trách nhiệm xuống ngay lòng sông để khảo sát tình hình vị trí tàu chìm.
Thiếu tướng Trần Triều Dương trao quyết định đặc cách cho Trung úy Huỳnh Văn Tuấn và Trung úy Nguyễn Chí Thành |
Qua việc khảo sát, con tàu đang nằm giữa sông Sài Gòn ở độ sâu hơn 20m, nghiêng bên trái, các cửa sổ đều đóng kín. Ở đầu và đuôi tàu, các vật dụng bàn ghế trên tàu chắn lối ra vào nên cán bộ chiến sỹ không thể vào bên trong bằng 02 lối này. Phương án lặn vào khoang tàu được vạch ra, phân chia làm nhiều tổ công tác, mỗi tổ từ 2-3 đồng chí bằng mọi giá phải vào được bên trong khoang thuyền để mò tìm các nạn nhân. Trời càng về trưa càng nắng gắt, công việc phá cửa sổ tàu cũng gặp khó khăn do việc phá các cửa ở dưới nước bị hạn chế về lực, cán bộ chiến sỹ tham gia lặn tìm mệt lả đi do thời gian lặn quá lâu nhưng công tác cứu hộ vẫn diễn ra căng thẳng. Sau một cuộc họp khẩn, phương án phá cửa sổ của các khoang tàu được chấp nhận. Hơn 40 phút lặn tìm, tổ công tác đã xác định tại tầng 02 của tàu không phát hiện nạn nhân nào. Trong quá trình lặn, tìm cách phá cửa sổ tàu tại tầng trệt thì con tàu bất ngờ dựng dậy và nghiêng về hướng bên phải gây nguy hiểm đến tính mạng của cán bộ chiến sỹ đang lặn nhưng tổ lặn đã kịp thời thoát ra khỏi bàn tay của tử thần, chờ khi con tàu trong tư thế ổn định, công việc mới tiếp tục. Trong bóng tối đen kịt dưới dòng sông họ mò mẫm tìm kiếm theo cảm giác và chuyển từng vật dụng ra ngoài để tạo lối thông thoáng vào sâu bên trong kiếm nạn nhân.
Cái tâm của nghề.
Đến mãi 13giờ trưa ngày 21/5/2011, sau hơn 15 tiếng đồng hồ dưới nước một đồng chí đã phát hiện ra 02 thi thể nạn nhân đầu tiên là một trẻ em và một người lớn trong tư thế giữ chặt nhau(đó là chị Trần Thị Tươi và con trai Quách Hồng Đạt). Hình ảnh 02 mẹ con trong thư thế giữ chặt nhau dưới xác tàu Dìn Ký đã in sâu vào tâm trí của những CBCS làm công tác lặn tìm nạn nhân cũng cảm thấy lòng mình quặn thắt không kìm được xúc động. Dường như chị đã dùng hết sức lực của mình để che chở cho con đến hơi thở cuối cùng. Phải cố gắng lắm mới gỡ được tay của chị và chuyển lên mặt nước. Đến 13 giờ 42 phút, tổ công tác đã tìm được 09 thi thể nạn nhân (gồm 05 nữ, 02 nam và 02 trẻ em). 15 giờ 10 phút cùng ngày đã đưa được thêm 06 thi thể nạn nhân trong khoang tàu lên mặt nước (gồm 02 nam, 02 nữ và 02 bé gái). Đến thời điểm này, CBCS Phòng Cứu nạn-cứu hộ đã đưa được 15 thi thể nạn nhân lên mặt nước giao cho cơ quan địa phương và gia đình.
Đôi môi của những người lính Cứu nạn- cứu hộ thâm tím lại, da thịt tái xanh vì đã nhiều giờ dưới nước, chân tay rã rời vì mệt mỏi nhưng ý chí chiến đấu thì vẫn không nguôi khi biết còn một bé trai chín tuổi Phạm Xuân Khánh vẫn chưa tìm thấy, tổ công tác đã như quên đi tất cả và tiếp tục lao mình xuống dòng sông tìm kiếm. Do thủy triều lên, con nước chảy mạnh đã làm cho con tàu lật nghiêng dần về phía bên phải, gây nguy hiểm cho tổ lặn nếu vào bên trong khoang sẽ không thoát ra được nên công tác lặn tìm bé Khánh tạm ngưng. Đến 05 giờ 03 phút, ngày 23/05/2011 khi trục vớt con tàu lên khỏi mặt nước thì mới tìm thấy được thi thể cháu Phạm Xuân Khánh tại hầm máy của con tàu.
Mặc dù bị trầy xước nhiều ngoài da , những vết cắt do kính vỡ làm tay của những người lính Cứu nạn- cứu hộ rỉ máu, bị ngứa do dị ứng với môi trường nước và có lúc nguy hiểm đến tính mạng nhưng cán bộ chiến sỹ Phòng Cứu nạn – cứu hộ đã không quản khó khăn, nguy hiểm đã tích cực tìm kiếm đúng vị trí tàu bị nạn. Bằng kinh nghiệm thực tế, lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Sở Cảnh sát PC&CC TP.Hồ Chí Minh cũng đã sớm tổ chức lặn tìm và nhanh chóng đưa được 16 thi thể nạn nhân lên bờ, được chính quyền và nhân dân địa phương tin yêu, khen ngợi.
Để kịp thời động viên tinh thần cho lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ trong việc lặn tìm thi thể nạn nhân và xác tàu Dìn Ký, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định trao bằng khen cho 06 tập thể, 66 cá nhân đã có thành tích trong trong tác Cứu nạn – cứu hộ tàu Dìn Ký, bên cạnh đó kèm theo 1 triệu đồng cho mỗi bằng khen để nhằm động viên tình thần cho sự hy sinh thầm lặng của người lính Cảnh sát PCCC&CNCH TP Hồ Chí Minh đã hết lòng tận tụy vì công việc.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Minh Trí - Phó chủ tịch UBND TP động viên thăm hỏi các cán bộ chiến sĩ, đồng chí nhấn mạnh: “Lực lượng PCCC giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc an dân, bảo vệ những hiểm nguy tài sản nhà nước và nhân dân, đồng thời nhân sự kiện này chúng ta cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về mặt chuyên môn nghiệp vụ kể cả vấn đề rèn luyện sức khỏe cho các CBCS. Tôi biết rằng công tác PCCC nguy hiểm nhưng Cứu nạn- cứu hộ càng phức tạp và nguy hiểm hơn nên phải nói là cũng rất trân trọng tinh thần nhiệt tình trách nhiệm của các đồng chí qua sự việc cụ thể này.”
Thay mặt Đảng ủy- Ban Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP. Hồ Chí Minh, lực lượng Phòng Cứu nạn – cứu hộ và các đơn vị quân sự tham gia vụ đắm tàu Dìn Ký, Đại tá Lê Tấn Bửu- Phó Giám đốc Sở đã trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đ/c Phó chủ tịch và xin hứa sẽ phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, đào tạo, rèn luyện, học tập và huấn luyện lực lượng Cảnh sát PC&CC TP nói chung và lực lượng Cứu nạn – cứu hộ nói riêng ngày càng chính qui, hiện đại và tinh nhuệ nhằm đáp lại sự tin yêu của nhân dân cũng như sự quan tâm của lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Thành phố.
Cũng trong dịp này, Thiếu tướng Trần Triều Dương đã trao quyết định đặc cách cho hai đồng chí đã có thành tích xuất sắc trong công tác Cứu nạn - cứu hộ: Trung úy Huỳnh Văn Tuấn từ Phó đội trưởng đội Cứu nạn - cứu hộ khác được phong đặc cách lên giữ chức vụ đội trưởng; Trung úy Nguyễn Chí Thành Cán bộ đội Cứu nạn - cứu hộ khác được phong đặc cách lên giữ chức vụ Phó đội trưởng.
Huỳnh Minh - Thanh Long