Skins

Bạn cần biết

 

Đăng lúc: Thứ năm - 27/03/2008 08:42

Đã xem: 3714 Phản hồi 0

Phòng và chữa cháy cho nhà cao tầng

I. Những đặc điểm của nhà cao tầng liên quan đến phòng cháy chữa cháy
Hiện nay, việc xây dựng nhà cao tầng là xu hướng tất yếu trong quá trình đô thị hoá đang phát triển nhanh ở nước ta. Tuy nhiên, đây là loại công trình với mật độ tập trung người cao và có những đặc điểm liên quan đến an toàn phòng cháy chữa cháy khác các công trình thấp tầng. Qua nghiên cứu cho thấy, nhà cao tầng có một số đặc điểm chính liên quan đến phòng cháy chữa cháy như sau:
1. Diện tích sử dụng lớn, số lượng người đông, công năng sử dụng phức tạp, tập trung nhiều chất cháy, có nhiều hệ thống thiết bị kỹ thuật, nguy cơ xảy ra cháy cao 2. Lối thoát nạn chính cho người trong nhà cao tầng là qua các cầu thang bộ đi xuống mặt đất rồi ra ngoài nhà. Vì vậy, nhà càng cao thì đường thoát nạn càng dài, thời gian thoát nạn ra khỏi nhà càng lâu, nguy cơ đám cháy đe doạ tính mạng con người càng cao 3. Tốc độ, áp lực của gió trên cao làm tăng tốc độ cháy lan và mức độ phức tạp của đám cháy. Hành lang giữa và các buồng thang bộ trong nhà cao tầng nếu không có giải pháp bảo vệ sẽ là các con đường lan truyền lửa, khói, hơi nóng, khí độc từ đám cháy lên các tầng trên và lan ra toàn nhà, đồng thời cản trở việc thoát nạn và đe doạ tính mạng những người chưa thoát kịp ra khỏi nhà. 4. Khó khăn cho việc cấp nước chữa cháy và khó khăn cho việc cứu hộ, cứu nạn cũng như việc triển khai các hoạt động chữa cháy trên các tầng cao... nhất là đối với các nhà cao tầng xây dựng ở các địa phương chưa được trang bị các xe thang chữa cháy chuyên dụng hoặc các nhà cao tầng có chiều cao vượt quá tầm với của các xe thang, hoặc không có đường bãi đủ tiêu chuẩn cho các xe thang hoạt động. Như đã nêu trên, do đặc điểm về chiều cao, các đám cháy xảy ra trong nhà cao tầng thường diễn biến rất phức tạp, việc ứng cứu, hỗ trợ của lực lượng phòng cháy chữa cháy từ bên ngoài đối với các đám cháy nhà cao tầng là rất khó khăn dẫn tới nguy cơ thiệt hại lớn về người và tài sản. Vì vậy, để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, các nhà cao tầng phải được trang bị đầy đủ các hệ thống, thiết bị kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, đảm bảo yêu cầu tự cứu là chính với hiệu quả cao nhất khi có cháy xảy ra. Trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy cho các nhà cao tầng phải được đề ra và thực hiện ngay từ giai đoạn đầu tư xây dựng cho đến giai đoạn sử dụng sau này. Qua khảo sát cho thấy, việc đầu tư cho phòng cháy chữa cháy ở các nhà cao tầng làm chung cư ở nước ta hiện nay theo các mức độ sau: - Các nhà cao tầng làm căn hộ cao cấp thuộc đầu tư nước ngoài xây dựng trong những năm gần đây thường được đầu tư về phòng cháy chữa cháy đầy đủ theo thiết kế và thiết bị phòng cháy chữa cháy của nước ngoài. - Một số nhà cao tầng làm căn hộ cao cấp đầu tư trong nước xây dựng những năm gần đây cũng được đầu tư cho phòng cháy chữa cháy đầy đủ theo các tiêu chuẩn Việt nam và tiêu chuẩn nước ngoài. - Đa số nhà cao tầng làm nhà ở chung cư xây dựng trước đây và một số nhà cao tầng xây dựng ở các khu đô thị mới gần đây, việc đầu tư cho phòng cháy chữa cháy chưa đầy đủ theo yêu cầu tiêu chuẩn. II. Các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy trong nhà cao tầng Theo quy định của tiêu chuẩn, tuỳ theo quy mô, mức độ đầu tư và yêu cầu sử dụng, các nhà cao tầng phải được trang bị các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy sau: 1. Các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy a. Hệ thống phát hiện cháy và báo cháy b. Hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà cho các trụ, họng nước c. Hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà cho các họng nước vách tường d. Hệ thống chữa cháy tự động e. Hệ thống Chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn lối thoát nạn f. Hệ thống điều áp buồng thang g. Hệ thống hút khói chủ động h. Các hệ thống, thiết bị ngăn cháy, chống khói (cửa ngăn cháy, van ngăn cháy) i. Các thiết bị chữa cháy, cứu hộ loại cầm tay, di động 2. Các hệ thống, thiết bị khác có liên quan đến phòng cháy chữa cháy a. Máy phát điện dự phòng b. Thang máy cho lực lượng chữa cháy c. Hệ thống phát hiện khí gas d. Hệ thống hút khí gas e. Hệ thống cung cấp nước f. Hệ thống điều khiển thông gió và điều hoà không khí g. Hệ thống nghe, nhìn phục vụ quản lý và bảo vệ toà nhà h. Hệ thống, thiết bị cung cấp và sử dụng điện i. Hệ thống chống sét, tiếp đất k. Hệ thống thông tin liên lạc 3. Những thiếu sót, sai phạm về chất lượng thiết bị phòng cháy chữa cháy Như đã nêu trên, chất lượng của thiết kế và thiết bị phòng cháy chữa cháy trong nhà cao tầng là rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp tới các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy của công trình. Qua kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy ở một số nhà cao tầng cho thấy còn nhiều thiếu sót, sai phạm liên quan tới chất lượng thiết bị phòng cháy chữa cháy, cụ thể là: - Không thiết kế, lắp đặt hệ thống báo cháy tự động như quy định của tiêu chuẩn - Không thiết kế, lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động như quy định của tiêu chuẩn - Không có bể dự trữ nước cho chữa cháy, hoặc có nhưng chung với bể nước sinh hoạt và không đủ dung tích dự trữ như quy định của tiêu chuẩn. Nguồn nước cấp vào bể yếu, không đảm bảo phục hồi đủ nước chữa cháy trong thời gian 24 giờ. - Không có trạm bơm chữa cháy cố định (chỉ có một máy bơm xăng di động), không trang bị đầy đủ các trang bị phương tiện chữa cháy, cứu hộ cần thiết. - Có bơm chữa cháy nhưng không đảm bảo lưu lượng, áp lực để chữa cháy ở các tầng cao. Một số công trình thiết kế cấp nước chữa cháy theo kiểu tự chảy từ bể nước trên mái, như vậy không đảm bảo lưu lượng và áp lực chữa cháy, nhất là cho các tầng trên cùng. - Bố trí các họng nước chữa cháy không đảm bảo yêu cầu mỗi điểm cháy phải có 2 họng cùng phun đến... - Chỉ có một buồng thang thoát nạn, nhưng buồng thang hở, không đảm bảo yêu cầu chống cháy, chống khói hoặc có thiết kế buồng thang kín nhưng không có hệ thống điều áp buồng thang, hoặc có nhưng áp lực yếu không đảm bảo yêu cầu chống tụ khói trong buồng thang. - Không có hệ thống chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn lối thoát nạn. - Chỉ có một nguồn điện cho máy bơm chữa cháy, không có nguồn điện dự phòng hoặc máy phát điện dự phòng. - Cửa ngăn cháy không đảm bảo về giới hạn chịu lửa theo tiêu chuẩn. - Chất lượng các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy chưa đảm bảo yêu cầu như: hệ thống báo cháy hay báo giả hoặc không hoạt động sau một thời gian sử dụng; đường ống cấp nước chữa cháy bị rò rỉ, không duy trì được áp lực chữa cháy theo yêu cầu; máy bơm chữa cháy (chủ yếu là bơm xăng) hay bị hư hỏng, trục trặc; hệ thống đèn chiếu sáng sự cố thường bị hỏng ác quy sau một thời gian hoạt động.v.v. 4. Một số kiến nghị về công tác kiểm định chất lượng thiết bị phòng cháy chữa cháy Sở dĩ còn tình trạng sai sót, kém chất lượng nêu trên đối với các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy trong các nhà cao tầng, theo chúng tôi có nhiều nguyên nhân như: do điều kiện hạn hẹp về vốn đầu tư, do trình độ năng lực thiết kế, thi công và do chất lượng các thiết bị, vật tư v.v thì còn có có nguyên nhân thuộc về công tác kiểm định chất lượng xây dựng như: - Còn thiếu nhiều tiêu chuẩn về chất lượng kỹ thuật các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy phục vụ cho công tác kiểm định cũng như các văn bản pháp quy về chế độ kiểm định và cơ quan kiểm định chất lượng hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy. - Chưa có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan kiểm định xây dựng và kiểm định phòng cháy chữa cháy, cũng như giữa cơ quan, tổ chức kiểm định và cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng - Còn thiếu các cơ quan, tổ chức kiểm định có đầy đủ trang thiết bị để kiểm định chất lượng các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy. Nhiều công trình vẫn phải dựa vào các chứng chỉ kiểm định của các tổ chức kiểm định nước ngoài Để đảm bảo các điều kiện toàn phòng cháy chữa cháy cho các cơ sở, công trình, thực hiện Luật phòng cháy chữa cháy và Nghị định 35/2003/NĐ-CP ngày 04/04/2003 của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy “cũng như các quy định của Luật Xây dựng mới ban hành, chúng tôi đề xuất một số giải pháp đối với công tác kiểm định chất lượng hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy đối với các công trình xây dựng nói chung, đối với nhà cao tầng nói riêng như sau: + Kiểm định chất lượng hệ thống phòng cháy chữa cháy phải gắn liền với công tác quản lý chất lượng xây dựng và quản lý phòng cháy chữa cháy trong xây dựng, cụ thể là công tác thẩm định phê duyệt thiết kế, kiểm tra thi công, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. + Có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan kiểm định xây dựng và kiểm định phòng cháy chữa cháy, cũng như giữa cơ quan, tổ chức kiểm định và cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng, quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy. + Xây dựng mạng lưới các cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng xây dựng, kiểm định phòng cháy chữa cháy hoạt động có hiệu quả trên toàn quốc. Đầu tư xây dựng các cơ quan kiểm định phòng cháy chữa cháy có đủ trình độ, năng lực kiểm định đối với tất cả các hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy tiên tiến, hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế đang được sử dụng ngày càng nhiều ở Việt Nam + Nghiên cứu xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về chất lượng kỹ thuật các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy phục vụ cho công tác kiểm định cũng như các văn bản pháp quy về chế độ kiểm định và cơ quan kiểm định chất lượng hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy. + Đối với nhà cao tầng nói chung, chung cư cao tầng nói riêng là loại công trình đòi hỏi phải có nhiều hệ thống, thiết bị kỹ thuật, trong đó không thể thiếu các hệ thống, thiết bị PCCC để đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của những người sống và làm việc trong công trình. + Cần có tiêu chuẩn định mức trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy tuỳ theo quy mô, số tầng và yêu cầu sử dụng, có quy định chặt chẽ về quản lý chất lượng thiết kế, thi công và kiểm tra, chạy thử, nghiệm thu các hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng, trong đó việc kiểm định chất lượng các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy là yêu cầu bắt buộc. III. Tổ chức thực hiện kiểm định thiết bị phòng cháy chữa cháy 1. Nghị định 35/2003/NĐ-CP ngày 04/04/2003 của Chính phủ "Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy" đã quy định: a) Phương tiện phòng cháy và chữa cháy sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu sau: + Bảo đảm về các thông số kỹ thuật theo thiết kế phục vụ cho phòng cháy và chữa cháy; + Phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế được phép áp dụng tại Việt Nam; b) Phương tiện chữa cháy sản xuất mới trong nước hoặc nhập khẩu phải được kiểm định về chất lượng, chủng loại, mẫu mã theo quy định của Bộ Công an. c) Phương tiện chữa cháy hoán cải trong nước phải được phép của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền và phải được kiểm định về chất lượng, chủng loại, mẫu mã theo quy định của Bộ Công an. d) Bộ Công an quy định định mức, tiêu chuẩn trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 Điều 50 của Luật Phòng cháy và chữa cháy (trích điều 39 Nghị định 35/2003/NĐ-CP). 2. Trong Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an "Hướng dẫn thi hành Nghị định số 35/2003/NĐ-CP của Chính phủ" nêu trên đã hướng dẫn việc kiểm định phương tiện, thiết bị PCCC như sau: a. Nội dung kiểm định: + Kiểm định chủng loại, mẫu mã phương tiện phòng cháy và chữa cháy; +Kiểm định các thông số kỹ thuật liên quan đến chất lượng phương tiện phòng cháy và chữa cháy. b. Phương thức kiểm định: + Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, thời gian sản xuất, số sêri và các thông số kỹ thuật của phương tiện phòng cháy và chữa cháy; + Kiểm tra chủng loại, mẫu mã; + Kiểm tra, thử nghiệm, thực nghiệm theo phương pháp lấy mẫu xác suất; đối với mỗi lô hàng cùng chủng loại, mẫu mã tiến hành kiểm định mẫu không quá 5% số lượng phương tiện cần kiểm định, nhưng không ít hơn 10 mẫu; trường hợp số lượng phương tiện cần kiểm định dưới 10 thì kiểm định toàn bộ; + Đánh giá kết quả và lập biên bản kiểm định theo mẫu PC20 + Cấp "Giấy chứng nhận kiểm định" theo mẫu PC21 hoặc dán tem, đóng dấu kiểm định theo mẫu PC 22. c. Thủ tục kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy: - Hồ sơ đề nghị kiểm định gồm: + Đơn đề nghị kiểm định của chủ phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo mẫu PC 23; + Các tài liệu kỹ thuật của phương tiện phòng cháy và chữa cháy; + Chứng nhận chất lượng phương tiện phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền (nếu có); + Chứng nhận xuất xưởng của phương tiện phòng cháy và chữa cháy. Hồ sơ đề nghị kiểm định nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt và cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm định phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch đó. + Chủ phương tiện chuẩn bị 02 bộ hồ sơ và cung cấp mẫu phương tiện cần kiểm định theo yêu cầu của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
Tác giả bài viết: Admin
Nguồn tin: Báo cáo tại Hội thảo
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc