Skins

PCCC Hồ Chí Minh

 

Đăng lúc: Thứ sáu - 30/09/2011 04:35

Đã xem: 1487 Phản hồi 0

Trở lại khúc sông mang theo một định mệnh buồn

Theo tin đã đưa, chiều ngày 20/5/2011 Sở Cảnh sát PC&CC TP HCM đã tổ chức Hội nghị Tuyên truyền về ý nghĩa “65 năm Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam”

và chỉ sau 3 giờ đồng hồ tính từ khi Hội nghị bế mạc thì cách đó khoảng 15km dọc theo con sông Sài Gòn đã diễn ra một “thiên tai” thảm khốc. Vụ con tàu du lịch Dìn Ký lâm nạn là một trong những tai nạn đường thủy đặc biệt nghiêm trọng, gây chết nhiều người, có nhiều trẻ em và phụ nữ (4 trẻ em, 7 phụ nữ, chiếm tỷ lệ 68,75% số người gặp nạn).

Suốt 4 ngày qua, hầu hết các tờ báo lớn nhỏ từ trung ương đến địa phương đã “cùng nhau thức trắng để dõi theo con tàu định mệnh buồn Dìn Ký” nhằm cập nhật thông tin nhanh nhất về vụ việc này. Chúng tôi làm phép tính thử khi vào Google (trang tìm kiếm lớn nhất thế giới) gõ cụm từ: “tai nạn tàu Dìn Ký” thì đã cho ra con số khoảng 97.700 trong thời gian tìm kiếm là 0,11 giây! Kết quả này còn chưa bao gồm báo giấy, những trang mạng mà Google chưa tìm kiếm được cũng như những tờ báo của Trung Quốc và một số tờ báo có lượng xuất bản lớn trên thế giới. Điều đó cho thấy, tính chất nghiêm trọng của vụ việc và “sự quan tâm của cả thế giới” về vụ tai nạn này.

Mặc dù con tàu mang biển kiểm soát và khu vực xảy ra tai nạn đều thuộc quản lý của tỉnh Bình Dương, nhưng sự tham gia tích cực trong việc tìm kiếm cứu nạn của lực lượng CS PC&CC TP HCM là vô cùng quan trọng và đáng ghi nhận. Một số tờ báo mạng uy tín như Vnexpress.net, Vietnamnet.vn… đã phản ánh những hoạt động nổi bật của lực lượng này tại cuộc tìm kiếm.

 

Con tàu Dìn Ký - “Con tàu Titanic của Việt Nam”

Lập tức chi viện và định vị thành công vị trí tàu chìm

Những thông tin xung quanh về vấn đề này, trong 4 ngày qua đã được đăng tải rất nhiều và tương đối chi tiết nên chúng tôi không nêu lại ở bài viết này. Ở đây chỉ xin được tập trung vào những công việc chính của lực lượng cứu nạn-cứu hộ thuộc Sở CS PC&CC TP HCM. Theo báo cáo ban đầu của Sở CS PC&CC TP HCM cho biết diễn biến vụ việc và công tác tham gia, tổ chức cứu nạn-cứu hộ như sau:

Vào lúc 20 giờ 35 phút ngày 20/5/2011, Sở CS PC&CC TP HCM nhận được tin từ đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đề nghị hỗ trợ lực lượng, phương tiện cứu nạn-cứu hộ vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký trên sông Sài Gòn (thuộc ấp Bình Thuận, xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), Sở CS PC&CC TP đã lập tức điều động 02 xe, 19 CBCS cùng dụng cụ, phương tiện cứu nạn-cứu hộ và đến nơi sau một thời gian ngắn, lập tức phối hợp với các lực lượng liên quan triển khai các dụng cụ, phương tiện lặn tìm vị trí tàu chìm. Vì các nhân chứng xác định không rõ vị trí tàu bị nạn, nên lực lượng cứu nạn-cứu hộ Sở CS PC&CC TP HCM đã tổ chức lặn, tìm kiếm khắp mặt sông với chiều dài trên 01 km. Do mặt sông rộng, nước chảy xiết nên nguyên cả đêm ngày 20/5/2011, cho dù tích cực và nỗ lực tìm kiếm nhưng vẫn chưa xác định được vị trí tàu chìm. Sáng sớm ngày 21/5/2011, lực lượng cứu nạn-cứu hộ Sở CS PC&CC TP HCM tiếp tục tìm kiếm. Bằng kinh nghiệm thực tế, cán bộ chiến sỹ cứu nạn-cứu hộ Sở CS PC&CC TP. HCM đã phát hiện vết dầu loang trên mặt sông cách nhà hành Dìn Ký khoảng từ 300 mét đến 400 mét.

Sự tham gia của lãnh đạo Sở CS PC&CC TP HCM và tăng cường chi viện

Khi phát hiện dấu hiệu trên, lực lượng cứu nạn-cứu hộ Sở CS PC&CC TP HCM đã phối hợp cùng Bộ tự lệnh TP. HCM và lực lượng công binh Quân khu 7 đưa phương tiện ra vị trí tàu bị nạn. Lực lượng cứu nạn-cứu hộ Sở CS PC&CC TP HCM lặn tìm và đến 06 giờ 30 phút ngày 21/5/2011 đã xác định được vị trí tàu chìm, đồng thời tiến hành định vị và đề ra phương án cứu nạn-cứu hộ.

Đến 07 giờ 30 ngày 21/5/2011, Sở CS PC&CC TP. Hồ Chí Minh đã điều động thêm 01 xe và 11 CBCS. Đồng chí Đại tá Lê Tấn Bửu - Thành ủy viên, Thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn TP, Phó Giám đốc Sở CS PC&CC TP đã có mặt tại hiện trường để chỉ huy công tác cứu nạn-cứu hộ và triển khai các dụng cụ, phương tiện lặn, tìm kiếm nạn nhân từ trong tàu chìm để đưa lên bờ.

Các lực lượng tham gia cứu nạn-cứu hộ đã thành lập Ban chỉ huy Thống nhất gồm:

1. Đồng chí Trần Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

2. Đồng chí Thiếu tướng Võ Thành Đức - Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương

3. Đồng chí Đại tá Lê Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở CS PC&CC TP. HCM

4. Các đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương.

Tiến hành tiếp cận “con tàu định mệnh”

Qua nắm tình hình được biết tàu du lịch Dìn Ký có biển kiểm soát BD - 0394 được làm bằng gỗ, 02 tầng, chiều dài 24m, chiều ngang 4,5m, tải trọng 3,6 tấn do ông Lê Văn Đức, sinh năm 1987 quê quán Bến Tre là thuyền trưởng. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, tàu du lịch đang tổ chức sinh nhật cho bé Quách Hồng Đạt, con ông Quách Lương Tài, quốc tịch Trung Quốc. Trên tàu có 27 người, khi xảy ra sự cố có 11 người đã thoát ra khỏi tàu và bơi vào bờ, còn lại 16 người bị kẹt lại trong tàu trong đó có 04 em nhỏ và  04 người Trung Quốc.

Qua lời khai của lái tàu Lê Văn Đức (nhân viên chưa có bằng lái tàu; tàu du lịch BD - 0394 đã hết hạn đăng kiểm) được biết trong lúc tàu quay đầu về bến tại đoạn sông trên, trời mưa rất to và có gió lớn nên đã làm thân tàu bị lật nghiêng và chìm xuống sông. Khi lực lượng cứu nạn-cứu hộ thuộc Sở CS PC&CC TP. HCM lặn xuống để xác định vị trí tàu chìm và người bị nạn gặp rất nhiều khó khăn do cửa sổ các khoang tàu bằng mê ka bị đóng kín để tránh mưa, khi tàu bị chìm đồ đạc trên tàu bị xô đẩy làm choán các cửa ra vào, bùn từ đáy sông đã tràn vào khoang tàu, nên lực lượng cứu nạn-cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai tìm kiếm nạn nhân. Vì các ô cửa con tàu quá nhỏ, người không thể chui lọt nên lực lượng cứu nạn-cứu hộ đã phải đập phá các tấm mê ka và khung cửa, di chuyển bàn ghế, đồ đạc, bùn đất để tiếp cận vào trong khoang tàu. Do nước chảy xiết nên khi lặn tiếp cận vào khoang tàu, nhiều cán bộ chiến sỹ của lực lượng cứu nạn-cứu hộ đã bị xây xát nhẹ, một số đồng chí bị chóng mặt do dòng xoáy của nước.

Vào khoảng 07 giờ 30 phút cùng ngày, dòng nước bớt chảy xiết, Ban chỉ huy Thống nhất đã quyết định cho lực lượng cứu nạn-cứu hộ lặn tìm và đưa xác các nạn nhân lên bờ.

Kết quả tìm kiếm

Với hơn 10 CBCS có khả năng lặn tốt, kinh nghiệm thành thục đã được phân công xuống tàu. Trao đổi với đồng chí Nguyễn Ngọc Tốt, 1 cán bộ giàu kinh nghiệm về cứu nạn-cứu hộ và đồng thời cũng là người trực tiếp tham gia vụ tìm kiếm, được anh cho biết: do dòng nước chảy xiết, nên việc tiếp cận con tàu gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần và quyết tâm cao, lực lượng cứu nạn-cứu hộ đã không quản khó khăn, tiến hành triển khai đội hình nhanh chóng để thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng được chia thành 4 tổ: 1 tổ lặn vào trong con tàu, 1 tổ ở vị trí ngoài tàu, 1 tổ chung chuyển và 1 tổ tiếp nhận nạn nhân đứng trên thuyền cứu hộ. Mọi thao tác phải được thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác đến từng milimét. Vì các động tác triển khai được thực hiện dưới nước là vô cùng khó khăn, chỉ cần sai sót nhỏ hoặc chậm lại 1 giây là có thể sự phối hợp không còn nhịp nhàng. Đặc biệt là tổ trên thuyền cứu hộ phải luôn tập trung cao độ, khi nhìn thấy có hiện tượng nước sủi bọt là sẵn sàng tiếp nhận ngay nếu không sẽ không kịp. Trong quá trình tiến hành vớt 15 nạn nhân đã có 1 trường hợp đưa lên gần đến mặt nước thì bị trượt tay, rất may mắn anh em đã kịp với tay giữ lại được. Nếu không thời gian cứu nạn có thể còn mất nhiều hơn như thế. Qua quá trình cứu nạn, một số CBCS của Sở đã bị xây xát, bị thương nhẹ do các mảnh vỡ và các vật dụng khác của con tàu va chạm vào. Nhưng các anh tâm sự đó chỉ là chuyện “bình thường thôi”, vì chuyện này luôn gặp ở những vụ việc tương tự. 

 

Đại tá Lê Tấn Bửu - Thành ủy viên, Thành viên Ban Chỉ huy PCLB&TKCN TP, Phó Giám đốc Sở CS PC&CC TP HCM (phải) và đồng chí Nguyễn Ngọc Tốt (trái) tại hiện trường vụ chìm tàu

Lực lượng cứu nạn-cứu hộ Sở CS PC&CC TP. HCM đã liên tục thay ca lặn tìm kiếm nạn nhân, đến 17 giờ 40 phút ngày 21/5/2011 đã  tìm kiếm và đưa được 15 xác nạn nhân lên bờ. Đến 23 giờ 30 phút ngày 21/5/2011, mặc dù CBCS thuộc Sở CS PC&CC TP. HCM đã nỗ lực hết sức mình, cố gắng tìm kiếm nạn nhân thứ 16 (bé Phạm Xuân Khánh, sinh năm 2002) nhưng không tìm thấy nên BCH Phòng Cứu nạn-cứu hộ báo cáo đ/c Trần Văn Nam - Phó chủ tịch tỉnh Bình Dương xin kết thúc công tác cứu nạn-cứu hộ của lực lượng cứu nạn-cứu hộ thành phố Hồ Chí Minh và cho xe quay về doanh trại tiếp tục thường trực sẵn sàng chiến đấu. Bàn giao lại địa bàn cho tỉnh Bình Dương tiếp tục xử lý.

Đến sáng ngày 23/5/2011, theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương thì đã tìm thấy xác nạn nhân Phạm Xuân Khánh, sinh năm 2002 bị kẹt ở khu vực buồng máy, khi chiếc tàu đã được lực lượng Công binh Quân khu 7 trục vớt lên.

Vẫn là chiến công cho dù không mong đợi

Qua diễn biến vụ việc đã thấy sự nổi bật của lực lượng cứu nạn-cứu hộ Sở CS PC&CC TP. HCM khi đã không quản khó khăn, kịp thời phối hợp với các lực lượng tích cực tìm kiếm vị trí tàu bị nạn. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, lực lượng cứu nạn-cứu hộ Sở CS PC&CC TP. HCM đã sớm xác định chính xác vị trí tàu chìm và tích cực tổ chức lặn tìm, nhanh chóng đưa được các xác nạn nhân lên bờ. Bên cạnh đó là sự phối hợp tích cực của các lực lượng: UBND tỉnh Bình Dương; Công an tỉnh Bình Dương; Bộ tư lệnh TP. HCM; Lực lượng Công binh Quân khu 7; Công an huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương; Công an phường Bình Nhâm, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương khi đã đoàn kết và hiệp đồng chặt chẽ trong công tác tìm kiếm nạn nhân và giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, do thông tin ban đầu không chính xác, nên việc xác định vị trí tàu chìm mất nhiều thời gian. Mặt sông rộng, sâu khoảng 25m, thời điểm xảy ra sự cố trời mưa to, gió mạnh, các khoang tàu đóng kín cửa nên gây nhiều khó khăn cho việc tiếp cận và cứu nạn-cứu hộ. Lực lượng cứu nạn-cứu hộ đã phải phá cửa các khoang tàu mới tiếp cận được khu vực bên trong tàu.

Cho dù những CBCS cứu nạn-cứu hộ Sở CS PC&CC TP đã từng “xông pha trận mạc” có thâm niên hàng thập kỷ, đã tìm kiếm không biết bao nhiêu vụ chết người và lòng can đảm của họ có thừa, nhưng khi chia sẻ với chúng tôi họ đã bùi ngùi rơi lệ. Đó là khi các anh trở lại với đời thường sau công việc, khi những giọt nước mắt của tình người không thể cản ngăn sau nhiệm vụ. Chiến công vẻ vang, gan dạ, mưu trí, dũng cảm như “Công dân tiêu biểu của thành phố” là trung úy Huỳnh Văn Tuấn cũng không tránh khỏi xúc động khi đồng chí cho biết: chưa có bao giờ vớt nhiều xác trẻ em đến vậy!

Như Bác Hồ đã dạy người lính chữa cháy và cũng như mong muốn của chúng tôi luôn mong cái nghề của mình được “thất nghiệp”. Giờ đây đảm trách thêm nhiệm vụ cứu nạn-cứu hộ thì chúng tôi cũng “không mong đợi những chiến công”! Vì khi nhà cháy hay có người lâm nạn luôn là những mất mát, đau thương cho con người, cho đồng loại. Cho dù vậy, thì công việc của chúng tôi vẫn luôn bận rộn, vẫn vừa ăn cơm, sinh hoạt hay thậm chí đang hớt tóc dở cũng luôn luôn sẵn sàng lao vào “biển lửa”, vực sâu để có thể và luôn hy vọng làm giảm thiểu tới mức thấp nhất những thiệt hại mà đã đến lúc không thể dừng lại.

Nếu có một chữ “nếu”

Chúng ta vẫn tiếp tục dõi theo và chờ đợi kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương. Nhưng trong khi chờ đợi cũng đồng thời suy ngẫm về tai nạn này. Hầu hết các tai nạn xảy ra đều có nguyên nhân bất cẩn của con người trước đó. Theo kết quả xác minh ban đầu cho biết việc lái tàu khách không có giấy phép lái tàu và tàu hết hạn đăng kiểm là đã thấy lỗi của con người trong đó. Và cái lỗi cố hữu ấy không nằm ngoài 1 chữ THAM. Doanh nghiệp tham lam vì luôn coi lợi nhuận đứng trên mạng sống con người. Lái tàu tham lam vì luôn muốn kiếm tiền mà không thể (hoặc cố tình) đi thi hoặc đổi, gia hạn bằng lái…

Sau mỗi một mất mát là một lần “rút kinh nghiệm”. Sau vụ việc này, công ty Dìn Ký sẽ mất rất nhiều từ hữu hình (thiệt hại con tàu, hỗ trợ nạn nhân, đền bù thiệt hại…), tới vô hình (uy tín doanh nghiệp…). Nếu có 1 chữ “nếu” trước khi xảy ra sự cố, Công ty Dìn Ký chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy trình, quy định thì chỉ mất rất ít (và đó là cái đương nhiên phải mất - gọi là khấu hao trong sản xuất kinh doanh) để đăng kiểm, duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra mức độ an toàn của con tàu theo định kỳ thì có thể sẽ không “bị mất” nhiều như ngày hôm nay.

Nhưng trên tất cả những nỗi đau, trên tất cả những mất mát đó chính là nạn nhân và người thân của nạn nhân. Ban đầu cứ nghĩ anh Tài mới là người mất mát lớn nhất, nhưng còn có một người ở rất xa nơi xảy ra tai nạn mới là người mất mát nhiều nhất, đó là ông Chỉnh (bố vợ anh Tài) - một người nông dân già nua, khắc khổ sống tại một vùng quê nghèo khó thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Ông đã mất vợ, con trai, con dâu, 2 con gái và 4 cháu nội ngoại. Có lẽ ít có nỗi đau nào hơn thế…

Bản thân người viết bài này đã trực tiếp có mặt tại hiện trường, mắt thấy những gì bi thảm nhất, tai nghe những lời thuật lại của nhân chứng và ám ảnh từ những tiếng khóc xé lòng của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng. Thật buồn, thật tiếc.

Xưa, Acsimet có câu: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất này lên”. Nay, nếu có một điểm tựa chưa chắc có thể nhấc được trái đất vì vấn đề đòn bẩy. Liệu có thể có một đòn bẩy dài và đủ lực để bẩy trái đất lên không? Tôi chỉ cần một chữ nếu bình dị mà sao thật khó khăn: NẾU con người cẩn thận hơn, sống có trách nhiệm, biết chia sẻ, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng thì rất có thể những điều đáng tiếc như “con tàu định mệnh” có thể sẽ không xảy ra…

Nguyễn Trí Công


Nguồn tin: pccc.hochiminhcity.gov.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết