Skins

Bạn cần biết

 

Đăng lúc: Thứ năm - 11/03/2010 05:02

Đã xem: 2030 Phản hồi 0

Cách thoát hiểm khi cháy chung cư

Cách thoát hiểm khi cháy chung cư

Cách thoát hiểm khi cháy chung cư

"Trong vụ cháy chung cư tối qua trên đường Lê Văn Lương, vì quá lo lắng, nhiều người đã không chú ý đến 2 lối thoát nạn mà xô đẩy nhau chạy khiến tình hình càng phức tạp", ông Tô Xuân Thiều, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, cho biết.

Vụ cháy khiến hai người tử vong tại tòa nhà 18 tầng tối qua đã khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt là những người đang sống ở các cao ốc.

"Nhà mình không khéo phải mua thang dây phòng ngự, nhỡ có cháy thì còn thoát ra được", chị Bình, ở chung cư 11 tầng, Mỹ Đình 1, huyện Từ Liêm, người chứng kiến từ đầu vụ việc này, lo lắng nói.

Theo ông Thiều, người dân không nên quá hoang mang trước sự cố trên. Thực ra, ở bất cứ tòa nhà nào, ngay từ khâu thiết kế, các nhà đầu tư đã phải nghĩ đến và dự phòng trước các sự cố như cháy, nổ… Trong các khu cao tầng, người ta sẽ lắp đặt hệ thống chống cháy trong tường, hệ thống thông khói tự động cũng như bố trí hai cầu thang thoát nạn…

Ảnh: Tuấn Anh.
Sau khi đám cháy xảy ra, rất đông người dân vẫn còn tập trung xung quanh và chưa hết hoảng loạn. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Thiều cho rằng, trường hợp cháy tối qua khá phức tạp và đặc biệt vì đám cháy xuất phát từ thùng rác, lượng khói lớn, tỏa ra rất nhanh khiến người dân hoảng loạn. Do quá lo sợ, nhiều người đã không chú ý đến 2 lối thoát hiểm mà xô đẩy nhau chạy khiến việc thoát ra ngoài càng khó hơn.

“Một điều nữa khiến việc cứu nạn của chúng tôi hôm qua gặp khó khăn là hiện nay, phương tiện chống cháy và cứu nạn của Hà Nội chỉ mới vươn tới được đến tầng 16-17 của các tòa nhà (cần xe chống cháy chỉ dài 52 m) nên dù cố hết sức cũng không thể chạm tới tầng 18 để kéo được người dân xuống”, ông Thiều nói.

Theo ông, nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh chung cư có hỏa hoạn, điều đầu tiên là người dân phải hết sức bình tĩnh. Cách tốt nhất để thoát ra lúc này là mọi người nhanh chóng xuống đất theo lối thoát hiểm hay cầu thang bộ. Để tránh bị ngạt khói, trong khi di chuyển mọi người cố gắng bò hay trườn, sao cho mặt sát sàn (vì khói thường lơ lửng bên trên), đồng thời, dùng khăn mặt ẩm hay giấy ướt bịt vào mũi, mồm.

Khi các cầu thang này quá đông, một số người dân có thể tập trung ở các lan can để chờ lực lượng ứng cứu giải thoát.

Các biện pháp thoát ra ngoài khác, chẳng hạn như leo xuống đất bằng thang dây, sợi dây chống nhiệt hay nhảy xuống (với sự hỗ trợ của đệm đặt dưới mặt đất) chỉ là cách bần cùng, bởi chúng thực sự không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, nếu nhảy từ trên cao, nhất là từ tầng 4 trở lên, xuống đất, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Cũng về vấn đề này, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP HCM - người có kinh nghiệm trong việc tham gia xử lý thảm họa - cho biết, không ít người tử vong tai nạn là do yếu tố tâm lý.

Thay vì tự tìm cách thoát thân, nhiều người vì quá hoảng loạn đã giẫm đạp nhau hoặc ngồi yên chờ cứu hộ hay cố thoát khỏi hiện trường mà không quan tâm đến sự nguy hiểm.

Theo bác sĩ Nghiệm, trong hỏa hoạn, tử vong thường là do ngạt trước khi bị cháy, chính vì thế, điều cần thiết nhất là các nạn nhân phải bình tĩnh tìm cách thoát khỏi hoặc tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình ga, tủ lạnh, máy lạnh…

Nếu hỏa hoạn ở các chung cư, cao ốc, nên thắt quần áo, chăn màn lại thành những dây dài để thoát thân qua cửa sổ. Việc nhắm mắt lao mình xuống đất bất chấp độ cao là hoàn toàn không thể. Những người trẻ có sức khỏe hoặc bình tĩnh hơn, phải tìm cách trấn an người khác và nhanh chóng vạch kế thoát hiểm.

Đối với các tai nạn bị ngã sập, nạn nhân bị đè, vùi lấp cũng cần thật sự bình tĩnh, thở đều để chờ người đến cứu, bởi việc hoảng loạn có thể mau chóng làm bản thân kiệt sức. Đặc biệt khi thấy có người đến cứu thì cố gắng phát ra âm thanh để được phát hiện.

Đồng quan điểm với bác sĩ Phan Văn Nghiệm, tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn - Chủ nhiệm khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TP HCM, cũng cho rằng việc tập huấn kỹ năng xử lý tình huống, chuẩn bị tâm lý cho người dân sống trong môi trường tập thể là vấn đề cần được quan tâm cấp bách.

"Tại một số nước, việc đào tạo kỹ năng đối mặt với nguy hiểm, rèn luyện khả năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng vượt qua những sự cố bất ngờ trước thảm họa đã được đưa vào giáo dục ở từng cấp học và những khu vực tập thể như trường học, công sở cao ốc, chung cư cao tầng… Việc làm này góp phần giảm hỗn loạn và nguy cơ tử vong rất nhiều bởi trên thực tế, qua các sự cố lớn, nhiều người chưa chết vì tai nạn thì đã chết ngất vì sợ hãi”, ông Sơn nói.

Tác giả bài viết: Admin
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc