Skins

Bạn cần biết

 

Đăng lúc: Thứ tư - 24/02/2010 00:00

Đã xem: 2018 Phản hồi 0

Giấc mơ làm ông chủ

Giấc mơ làm ông chủ

Giấc mơ làm ông chủ

Ít nhất hơn 50% các doanh nhân khởi nghiệp sẽ thất bại sau năm đầu tiên, và 80% sẽ thất bại sau 10 năm nữa, chỉ có những doanh nghiệp thật sự mạnh mới tồn tại được.

Nhân đọc chuyên mục “Làm giàu” của VnExpress.net, tôi thấy các ý kiến của các anh và các bạn đều đáng trân trọng và thể hiện một sự khát khao cũng như một mối ưu tư về con đường sự nghiệp của bản thân. Lúc nào một vấn đề cũng có hai luồng ý kiến khác nhau và không hẳn là những ý kiến ấy trái ngược nhau, chỉ là những ý kiến ấy được đúc kết từ những kinh nghiệm thực tế khác nhau của mỗi người khác nhau mà thôi.

Tôi hiện đang là sinh viên của trường kinh doanh của đại học quốc gia Singapore (một trong những trường kinh doanh của châu Á được công nhận trên thế giới). Trước đây tôi là cựu sinh viên của Đại học Ngoại Thương và cũng đã trăn trở về cái khái niệm làm giàu rất nhiều. Ngay từ khi học lớp 10, tôi đã bị cuốn hút vào cái thế giới đầy mê hoặc của một doanh nhân và say mê biết bao câu chuyện thành công của những doanh nhân thành đạt. 16 tuổi tôi đã “kinh doanh” (gọi là buôn bán thôi) và cũng kiếm được tiền trang trải cho tiêu xài cá nhân từ đó. Lúc ấy tôi là một con buôn chính hiệu: Một đồng vốn phải đẻ ra ba đồng lời, thuận mua vừa bán.

Thế rồi cái suy nghĩ con buôn ấy phát triển dần theo năm tháng khi tôi trưởng thành hơn và dần dần hình thành nên cái lối tư duy mà sách vở gọi là “tư duy doanh nhân”: Xã hội đang thiếu gì, mình sẽ phục vụ ai, mình sẽ buôn bán cái gì (hay kinh doanh lĩnh vực gì). Nghĩ đến đó tôi thấy quả thực cuộc đời không thật sự đơn giản như mình tưởng, muốn thoát kiếp con buôn và muốn trở thành một chủ doanh nghiệp thì phải đi học. Thế là tôi thi vào Ngoại thương, và sau này là trường kinh doanh của Đại học quốc gia Singapore với hy vọng sẽ được “rèn luyện” để trở thành một doanh nhân.

Nhưng tôi lầm! Cái mà họ bên này rèn và luyện tôi không phải là để cho ra lò một doanh nhân, mà họ rèn và đúc ra lò một người “thợ” có tố chất và suy nghĩ như một doanh nhân (entrepreneurship-centered). Và tôi là “thợ” thật, một anh “thợ” sẽ đi xin việc và làm việc cho ông chủ của mình không phải để nhận lương, mà để cho thấy giá trị của công việc của mình. Vòng đời của một tân cử nhân sẽ là như sau: “thợ” - chuyên viên - chuyên gia - quản lý cấp cao - hội đồng quản trị -... ?. Dấu hỏi chấm ở đây là giai đoạn cuối cùng của sự nghiệp của một cá nhân: Sẽ là một chủ doanh nghiệp của riêng mình? Hay là một nhà đầu tư cá nhân? Hay là sẽ là Chủ tịch HĐQT của chính công ty mình đã làm thuê?

Viết ra như vậy để thấy rằng mối quan hệ “thợ” - ông chủ là một mối quan hệ nhiều lớp và từ “thợ” trở thành ông chủ đòi hỏi thời gian, tiền bạc và rất nhiều kinh nghiệm. Ở hai cực của mối quan hệ ấy thì bản chất vị trí còn rõ ràng, nhưng ở giữa mối quan hệ ấy và nếu cận trên thì một cá nhân tuy không sở hữu doanh nghiệp ấy hay sở hữu một phần cũng có những ảnh hưởng quyền lực nhất định và có thể coi là những “ông chủ” không chính thức.

Sau đây là một số những điểm chung mà tôi nhận thấy khi quan sát các câu chuyện thành công trên thế giới và ở Việt Nam:

1. Các ông chủ của các công ty lớn khi lập nghiệp đa số là “thợ” hoặc có tư chất là “thợ” giỏi .

2. Các ông chủ của các công ty lớn (kể cả cổ đông) hầu hết đều trên 50 tuổi.

3. Chỉ một số nhỏ các ông chủ hiện giờ là do thừa hưởng, một số khác là do mua lại và số còn lại được bầu do HĐQT.

4. Ít nhất hơn 50% các doanh nhân khởi nghiệp sẽ thất bại sau năm đầu tiên, và 80% sẽ thất bại sau 10 năm nữa, chỉ có những doanh nghiệp thật sự mạnh mới tồn tại được.

5. Số lượng doanh nghiệp thì nhiều, nhưng số lượng các DN có lợi nhuận thì không nhiều.

Có bốn câu nói mà tôi luôn trăn trở khá nhiều:

1. Phi thương thì bất phú: Ông bà ta dạy rất đúng, không kinh doanh thì không thể làm giàu được. Tuy nhiên tôi chỉ xem câu này như là một lời khuyên chung của tiền bối liên quan đến việc làm giàu. Tôi nghĩ thế này, ngày xưa “thương” chỉ đơn thuần là lái buôn, tức trao đổi hang hóa. Không phủ nhận tầm quan trọng của thương mại, nhưng tôi luôn hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi xã hội thiếu “thợ” thừa thương? Tức người làm ra thì ít mà kẻ buôn thì nhiều. Điều này có liên quan đến câu nói thứ hai của thôi.

2. Xã hội cần có “thợ” và đủ “thợ” để sản sinh ra một ông chủ: Câu nói thứ hai này liên quan đến chất lượng của “thợ” tức là người trực tiếp làm ra của cải vật chất. Suy rộng ra điều này có liên quan đến sức mạnh của doanh nghiệp Việt Nam và sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam. Chỉ khi nào sản phẩm dư thừa, công nghệ hiện đại, sản xuất vượt trội (tức “thợ” giỏi) thì doanh nghiệp mới vững mạnh và tăng trưởng (tức chủ giỏi) và khi đó thương lái mới có cơ hội để mở rộng giao thương và phân phối hàng hóa.

Tôi nghĩ Việt Nam đang phát triển, tức cần rất nhiều đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công nghệ, viễn thông, giao thông rồi xây dựng…tức là chúng ta cần rất nhiều kỹ sư để đảm đương việc kiến thiết cái nền móng cho xã hội. Đây là nhu cầu của nền kinh tế, cũng là nhu cầu của nhà tuyển dụng và phải coi đây là nhu cầu đào tạo “thợ” cứng của giáo dục Việt Nam. Hiện nay công tác tuyển sinh và đào tạo còn ồ ạt, thí sinh thì chọn những nghề thật oách và kiếm nhiều tiền mà quên đi nhu cầu của nền kinh tế. Vẫn còn thiếu rất nhiều những công ty mạnh trong những lĩnh vực xương xẩu, trong khi đội ngũ doanh nhân và thương lái thì tăng một cách không tương xứng sẽ dẫn đến cái tình trạng gọi là “khủng hoảng kép” (thừa chủ, thiếu thợ).

3. Người “thợ” giỏi làm cho người giàu giỏi. Đây là mối quan hệ truyền thống lâu đời trong tuyển dụng. Tôi không chắc là có vấn đề gì từ cái đẳng thức này không, nhưng sự đời thì sẽ mãi luôn như vậy. Nhiều người nghĩ rằng nếu họ giỏi thế thì sao họ phải đi làm thuê cho ông chủ của họ. Nhưng họ quên mất một điều là họ giỏi ở vị trí là một người “thợ”. Khi họ ra làm chủ, họ sẽ thuê mướn lao động nhưng không có gì chắc chắn “thợ” của họ sẽ giỏi như họ. Rồi đến phiên những người “thợ” này rời bỏ họ và làm cho những ông chủ khác hay trở thành những ông chủ, họ cũng sẽ thuê mướn những người “thợ” khác. Và điều làm nên sự khác biệt giữa một ông chủ thành công và chưa thành công thiết nghĩ hoàn toàn được phản ánh trong cái mối quan hệt chủ - thợ ấy: Ai có nhiều “thợ” giỏi hơn người đó sẽ dễ thành công hơn. Suy rộng ra, tại sao họ có nhiều “thợ” giỏi hơn tôi? Có thể họ có cái mà tôi không có, như “bí kíp làm ông chủ” chẳng hạn. Mối quan hệ trên còn đề cập đến sự trung thành, chữ “tín” và cách đối nhân xử thế giữa người chủ và người làm thuê, làm sao để người “thợ” giỏi luôn bên mình mới là một ông chủ giỏi.

4. Muốn làm chủ thì hãy làm “thợ”: Viết tiếp câu nói thứ ba, cũng là để hoàn tất cái vòng thăng tiến sự nghiệp. Nói như thế không có nghĩa là xã hội không cần những doanh nhân mới. Cần lắm chứ. Nhưng cái sự làm doanh nhân nó cũng như là cái sự luyện võ vậy, cũng phải có trường lớp, bài bản, kinh nghiệm và khổ luyện từ một võ sinh đai trắng cho đến một võ sư có một võ đường riêng. Nếu chỉ muốn có một võ đường riêng thì không cần phải luyện tập cực khổ, tiền bạc có thể mua được. Tuy nhiên chỉ cần có tinh thần võ hiệp và cao thượng, một người học võ chân chính đã là một võ sư của chính mình. Tức là trên cái con đường thăng tiến và lập nghiệp ấy, chỉ cần ta có thể nuôi sống ta bằng một nghề (tức là “thợ), có tư duy của một doanh nhân và hướng về cộng đồng thì ta đã có tố chất của một doanh nhân rồi. Công việc khởi nghiệp có thể rủi ro, nhưng rủi ro với doanh nhân cũng là nơi mang lại lợi nhuận.

Ta không cần sở hữu một công ty, nhưng chỉ cần ta có thể quản lý tài sản và tiền bạc của cá nhân và gia đình và làm nó tăng trưởng, ta cũng đã là một nhà đầu tư không chính thức rồi.

Phạm Vinh

Tác giả bài viết: admin
Nguồn tin: vnexpress.net
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc