Skins

Bạn cần biết

 

Đăng lúc: Thứ hai - 18/04/2011 12:06

Đã xem: 2783 Phản hồi 0

Hỏa hoạn đang rình rập nhà cao tầng

Ngày 23.5, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TP.HCM đã có báo cáo kết luận kiểm tra công tác PCCC nhà cao tầng (NCT) ở TP.HCM cho Bộ Công an, chính quyền sở tại cùng các ban ngành khác. Theo đó, qua kiểm tra 137 NCT, đã phát hiện đến 392 lỗi vi phạm. Theo nhận định của Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, nguy cơ cháy NCT rất cao và nếu không phát hiện, tổ chức cứu chữa kịp thời sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản người dân.

“Bom nổ chậm” trong các cao ốc

Trong vụ cháy ở tòa nhà 33 tầng vừa qua, dù không gây thiệt hại về người nhưng đã bộc lộ nhiều thiếu sót chết người trong công tác PCCC, như: cứu hộ cứu nạn còn hạn chế, không có hệ thống thông gió, hút khói... Sau vụ cháy này, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã lên kế hoạch kiểm tra 137 NCT trên địa bàn TP. Kết quả cho thấy 100% NCT đều vi phạm quy định PCCC, trong đó có nhiều lỗi vi phạm có thể dẫn đến thảm họa.

Tại tòa nhà Thuận Kiều Plaza (Q.5), đoàn kiểm tra đã hết sức bất ngờ khi thấy nhiều nút nhấn báo động cháy, lăng chữa cháy đã bị một số người dân thiếu ý thức đập bể... Trong khi đây là tòa NCT lớn nhất Q.5, với khoảng 600 người sinh sống ở 150 căn hộ (chưa kể lượng người vào đây mua sắm và ăn uống mỗi ngày).

Lỗi vi phạm nghiêm trọng nhất thuộc về nhà hàng hải sản ở Thuận Kiều Plaza: nhà hàng đã đặt bình gas 6 kg như một "quả bom nổ chậm" ngay dưới bàn ăn của thực khách. Một cán bộ của đoàn kiểm tra ngao ngán: "Chất dễ cháy, cháy nhanh và khó chữa là gas, xăng dầu. Nếu khách say xỉn đạp trúng hệ thống bình gas dưới bàn ăn, làm rò rỉ gas thì rất dễ xảy ra cháy và đến lúc đó, không những tính mạng của thực khách ở nhà hàng không đảm bảo mà người dân sinh sống tại các căn hộ ở đây cũng bị liên lụy".

Không chỉ ở Thuận Kiều Plaza mà nhiều NCT khác cũng đã mắc phải sai phạm trong việc sử dụng các chất dễ cháy. Chẳng hạn: số bình gas chứa nhiều hơn quy định; không có đầu báo rò rỉ gas hoặc bị hư hỏng; dầu được chứa trong can nhựa để cạnh bếp... Đặc biệt, hầu hết NCT đều có bồn chứa dầu dự trữ dùng chạy máy phát điện nhưng có một số nơi không xây hố chứa dầu tràn hoặc thể tích không chứa đủ lượng dầu. Nguy hiểm hơn là có nơi lượng dầu trên 12.000 lít nhưng không có hệ thống thông hơi, do vậy rất dễ dẫn đến cháy nổ, điển hình như tại cao ốc Norfolk Mansion.

Ngoài ra, hàng loạt các sai phạm khác cũng đã được phát hiện ở các NCT như: cao ốc số 20 Lê Thánh Tôn, Q.1; chung cư Phúc Thịnh, Q.5; Sài Gòn centre; Sài Gòn Tower; cao ốc 146 Nguyễn Công Trứ, Q.1; chung cư lô H1 Hoàng Diệu, Q.4; cao ốc 19 Hồ Tùng Mậu... Về các giải pháp thoát nạn khi gặp sự cố, một cán bộ của Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cũng cảnh báo: "Không ít NCT đã để các thiết bị máy móc văn phòng, văn phòng phẩm lấn chiếm hành lang thoát nạn, thậm chí có cao ốc còn để kệ văn phòng ngay trong buồng cầu thang hoặc làm cánh cửa sắt khóa lại giữa cầu thang các tầng".

Nguy cơ lớn từ điện

Theo số liệu thống kê, đến thời điểm tháng 4.2007 trên địa bàn TP.HCM có 137 cao ốc từ 10 tầng trở lên (không kể các tầng hầm), đa số tập trung ở các quận trung tâm TP. Trong đó đặc biệt đáng lo ngại là có đến 21 cao ốc xây dựng trước 1975 và đến nay hầu như không có các giải pháp an toàn PCCC. Kế đến là 47 cao ốc xây dựng từ 1975 - 1996 (thời điểm chưa ban hành Tiêu chuẩn PCCC đối với NCT), tuy có hiện đại hơn nhưng cũng chưa đảm bảo đầy đủ các giải pháp an toàn PCCC.

Một số vụ cháy cao ốc gần đây tại TP.HCM

- Lúc 17 giờ 24 ngày 8.8.2004: cháy tại chung cư An Dương Vương (Q.5); thiệt hại 6 căn hộ với diện tích 400m2.

- Lúc 14 giờ 00 ngày 27.10.2004: cháy tại Diamond Plaza (20 tầng), Q.1; thiệt hại 100 triệu đồng.

- Lúc 16 giờ 50 ngày 2.3.2007: cháy tại chung cư A4 Phan Xích Long (9 tầng), Q.Phú Nhuận; thiệt hại 10 triệu đồng.

- Lúc 17 giờ 55 ngày 27.3.2007: cháy tại cao ốc 33 tầng, Q.1; thiệt hại 35.000 USD.

- Lúc 14 giờ 08 ngày 29.4.2007: cháy tại chung cư An Lộc (13 tầng), Q.Gò Vấp; thiệt hại 15 triệu đồng.

Điều đáng nói, trong 5 vụ hỏa hoạn ở cao ốc gần đây, nguyên nhân chính dẫn đến cháy là do vi phạm quy định an toàn trong sử dụng điện (chiếm 70%). Trong khi đó, một số chung cư (như Lô A1, A2, A3, B tại 312 Lạc Long Quân, Q.11) do xây dựng từ lâu nên hệ thống điện đã xuống cấp. Cụ thể là dây dẫn bị hư hỏng, ải mục không đảm bảo cách điện.

Đại tá Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM nhận định: "Một số NCT có nhiều công năng, có nhiều loại hình dịch vụ kinh doanh như trung tâm thương mại, siêu thị, vui chơi giải trí, nhà hàng tiệc cưới, quán bar, vũ trường, văn phòng, chung cư nên lượng người thường xuyên có mặt trong các địa điểm này rất đông, nhất là vào ban đêm. Trong đó nguy hiểm nhất là các chung cư xây dựng trước 1975 đã xuống cấp nghiêm trọng, ý thức của người dân sống trong các căn hộ không cao dẫn đến những vi phạm như tự ý cơi nới thêm lấn chiếm hành lang, cầu thang thoát hiểm, giếng trời... làm tăng nguy cơ cháy lan và ảnh hưởng đến khả năng thoát nạn khi xảy ra cháy. Đấy là một thực tế đáng lo ngại". Theo đại tá Dương, việc tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra cháy và hạn chế đến mức tối thiểu thiệt hại về người và tài sản nếu xảy ra cháy là ưu tiên số 1 trong công tác PCCC đối với NCT ở TP.HCM hiện nay.

Đại tá Dương cũng lưu ý các cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn bắt buộc đối với nhà cao từ 20 tầng trở lên, là phải thiết kế sân đậu máy bay trực thăng để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

(Theo_Thanh_Nien)

 


Nguồn tin: Báo Thanh Nien
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết